Trang chủ >>Tin tức & sự kiện >>Tin tức & sự kiện | |||
Tiếp tục đề nghị lập cơ quan định giá đất độc lập (6/11/2013)
Tiếp tục đề nghị lập cơ quan định giá đất độc lậpSau khi Ủy ban Thường vụ giải trình về thẩm quyền quyết định định giá đất của UBND cấp tỉnh, nhiều đại biểu tiếp tục đề nghị quy định về cơ quan định giá độc lập.Sáng 6/11, thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với 15 nhóm vấn đề lớn. Theo Chủ nhiệm Giàu, về giá đất, dự thảo luật quy định rõ các nguyên tắc định giá gồm: mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá; thời hạn sử dụng đất; phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường; cùng một thời điểm các thửa đất liền kề nhau có cùng mục đích sử dụng, khả năng sinh lợi, thu nhập từ việc sử dụng đất tương tự như nhau thì có mức giá như nhau. Trước ý kiến đề nghị bỏ quy định Chính phủ ban hành khung giá đất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định như dự thảo Luật là bám sát quan điểm và nội dung đã được nêu trong Nghị quyết của Đảng và phù hợp với quy định của Luật giá. Mặt khác, quy định khung giá đất nhằm hạn chế chênh lệch lớn về giá đất tại khu vực giáp ranh giữa các vùng, các địa phương. Qua nhiều kỳ họp và lấy ý kiến, nhiều đại biểu, chuyên gia đã nêu đề nghị thành lập cơ quan định giá đất độc lập với cơ quan quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, việc giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quy định, quyết định giá đất là phù hợp với quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, Nhà nước có quyền quyết định giá đất. “Tuy nhiên, để bảo đảm tính độc lập, khách quan, UBND cấp tỉnh trước khi quy định giá đất phải tham khảo giá do tổ chức có chức năng tư vấn giá đất”, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nói. Trước giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Trần Ngọc Vinh, cho rằng, với quy định trong dự thảo thì vai trò, thẩm quyền của tổ chức có chức năng tư vấn định giá đất là ”rất mờ nhạt”. Từng nhiều lần nêu quan điểm, ông Vinh khẳng định ”băn khoăn nhất” của ông về quy định giá đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. ”Với quy định này thì UBND cấp tỉnh vừa có quyền giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất lại vừa có quyền quyết định giá đất sẽ làm cho giá đất được quyết định thiếu khách quan, minh bạch. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện về đất đai”, ông Vinh nói. Để đảm bảo tính minh bạch về định giá đất, vị đại biểu của thành phố Hải Phòng đề nghị thành lập một cơ quan có thẩm quyền quyết định về giá đất độc lập với cơ quan có thẩm quyền quản lý đất đai. Có như vậy mới tránh được tình trạng một cơ quan vừa đá bóng, vừa thổi còi dẫn đến tình trạng lạm dụng làm thiệt hại đến quyền lợi và lợi ích của người dân khi bị thu hồi đất.
Tán thành với ý kiến của ông Vinh, đại biểu Huỳnh Minh Hoàng kiến nghị thêm việc người dân bị thu hồi đất có quyền giới thiệu danh sách các tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất độc lập. Các cơ quan này sẽ tham gia đấu thầu định giá để xây dựng phương án bồi hoàn, hỗ trợ và tái định cư sao cho có lợi cho người bị thu hồi đất, bỏ hẳn cơ chế giao đất xin cho. Cũng liên quan tới giá đất, đại biểu Bùi Sỹ Lợi yêu cầu quy định rõ phương pháp định giá để Chính phủ căn cứ hướng dẫn. Về khung giá đất 5 năm, ông Lợi cho là quá dài. "Trong điều kiện hiện nay và tình hình giá đất đai hiện nay, tôi nghĩ rằng phải 2-3 năm thì hợp lý hơn”, ông Lợi nói. Trong phiên thảo luận, nhiều vấn đề liên quan tới cơ chế thu hồi, đền bù đất, tái định cư... cũng được các đại biểu bàn thảo. Dù chưa nhận được sự đồng thuận của cơ quan soạn thảo qua các phiên họp song ông Trần Ngọc Vinh vẫn kiên trì giữ quan điểm, tiếp tục đề nghị không thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Theo ông nên đưa phương thức trưng mua quyền sử dụng đất nhằm đảm bảo hài hòa, chia sẻ lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. “Nếu lần này vẫn giữ nguyên quy định các trường hợp thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội quy định tại Điều 62 của dự thảo luật thì vấn đề khiếu kiện về đất đai vẫn là điểm nghẽn chưa có lời giải”, ông Vinh nói. Ông đề nghị Ban soạn thảo làm rõ khái niệm thu hồi đất phục vụ mục đích kinh tế - xã hội theo hướng phân loại chính xác các loại dự án cho các mục đích và lợi ích cụ thể. Đồng thời, phải tách bạch được các dự án kinh tế vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư ra khỏi phạm vi các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong chính sách thu hồi đất.
Về quy định "suất tái định cư tối thiểu" thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, đại biểu Đặng Thuần Phong cho rằng quy định này rất nhân văn song hệ lụy của nó là mỗi tỉnh sẽ có quy định khác nhau, trong khi tiêu chí lại không rõ. Theo ông, nên giao cho Chính phủ quy định để tạo được sự thống nhất trong tổ chức thực hiện. “Nên bổ sung giải thích từ ngữ suất tái định cư tối thiểu vào dự án luật. Không để vấn đề này giống như lương tối thiểu hoặc mức sống tối thiểu, chúng ta nói nhiều nhưng khi làm lại không rõ”, ông Phong góp ý. Bình luận về những chỉnh sửa của dự thảo luật, đại biểu Ngô Văn Minh cho rằng đã "tương đối” nhưng để đáp ứng được tâm tư nguyện vọng và kỳ vọng của đại biểu Quốc hội thì còn nhiều điều, khoản vẫn phải bàn thêm. Còn đại biểu Trần Ngọc Vinh thì bày tỏ tin tưởng rằng với những ý kiến đóng góp ngày 6/11 của đại biểu Quốc hội sẽ được Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý để cuối cùng khi thông qua sẽ khắc phục được những bất cập của Luật đất đai 2003 và quyền lợi của người dân trong trường hợp bị thu hồi đất được đảm bảo về bồi thường, hỗ trợ tái định cư kế sinh nhai. Từ đó giảm được tối đa những khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai đến các cấp chính quyền. Xem thêm một số điều khoản về thu hồi đất trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) Nguyễn Hưng vnexpress.net
|
|